Theo thông tin từ Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, tính đến cuối tháng 6/2019, ở Việt Nam có 1.282 tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (95 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1 ngân hàng hợp tác xã, 1.182 quỹ tín dụng nhân dân và 4 tổ chức tài chính vi mô).
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam không phải chi trả tiền bảo hiểm. Đây được xem là một trong những "điểm sáng" về hoạt động bảo hiểm tiền gửi 6 tháng đầu năm 2019.
Cấp và thu hồi chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi kịp thời
Việc cấp và thu hồi Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi được Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam thực hiện kịp thời, đúng quy định, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức tín dụng, góp phần khẳng định vai trò, vị thế của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam và nâng cao niềm tin đối với hệ thống ngân hàng.
Trong 6 tháng đầu năm, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã cấp mới 1 chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, cấp lại 1 chứng nhận và gần 260 bản sao chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi cho các tổ chức tín dụng; thu hồi 1 chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Tổng số phí bảo hiểm tiền gửi trong 6 tháng đầu năm Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam tăng gần 9% so với cùng kỳ năm 2018, đạt hơn 100% kế hoạch 6 tháng đầu năm và bằng 50% kế hoạch cả năm 2019. Theo đánh gia của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam, các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã thực hiện nghiêm túc việc tính và nộp phí theo quy định.
Để việc thu phí bảo hiểm tiền gửi đảm bảo đúng quy định của pháp luật, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã đôn đốc, hướng dẫn, giải đáp và xử lý kịp thời vướng mắc phát sinh liên quan đến tính và thu phí bảo hiểm tiền gửi; đồng thời thường xuyên theo dõi, phân tích biến động số dư tiền gửi được bảo hiểm của các tổ chức tín dụng.
Công tác quản lý và đầu tư vốn được thực hiện đúng quy định, an toàn, hiệu quả, bổ sung nguồn thu cho quỹ dự phòng nghiệp vụ và nâng cao năng lực tài chính của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam. Hầu hết vốn tạm thời nhàn rỗi của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam đã được đầu tư vào trái phiếu Chính phủ theo quy định hiện hành.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã hoàn thành kiểm tra tại chỗ đối với 210 đơn vị tham gia bảo hiểm tiền gửi gồm 16 ngân hàng thương mại, 193 quỹ tín dụng nhân dân, 1 tổ chức tài chính vi mô, đạt 46% kế hoạch cả năm 2019.
Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam thường xuyên thông tin đến công chúng hoạt động bảo hiểm tiền gửi trong nước và quốc tế, các vấn đề về chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng cần định hướng, tư vấn cho người gửi tiền.
Mặt khác, thực hiện tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi qua mạng lưới của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam tại 1.500 điểm bưu điện văn hóa xã, tạo kênh truyền thông hiệu quả, tiết tiệm chi phí.
Nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm
Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mới theo quy định tại Luật Sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giải pháp nhằm đảm bảo an toàn hoạt động, củng cố vững chắc hệ thống quỹ tín dụng nhân dân và Đề án củng cố và phát triển hệ thống quỹ tín dụng nhân dân đến năm 2020 định hướng đến 2030 theo quyết định của Ngân hàng Nhà nước.
Tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước. Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển bảo hiểm tiền gửi đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Tập trung nghiên cứu, xây dựng, ban hành văn bản quản trị điều hành theo đúng kế hoạch đã được phê duyệt.
Nâng cao chất lượng công tác kiểm tra về tiền gửi được bảo hiểm, giám sát cảnh báo rủi ro; triển khai hiệu quả Quy chế thông tin báo cáo về tiền gửi được bảo hiểm.
Nâng cao năng lực tài chính thông qua việc tính và thu đầy đủ phí bảo hiểm tiền gửi theo quy định; đầu tư hiệu quả nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi bảo đảm nguyên tắc an toàn và phát triển vốn.
Chú trọng công tác tuyên truyền chính sách bảo hiểm tiền gửi nhằm nâng cao niềm tin của công chúng, đồng thời cung cấp thông tin về việc thực thi các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng người gửi tiền quan tâm.
Tiếp tục tái cấu trúc bộ máy, kiện toàn đội ngũ lãnh đạo quản lý. Phát triển nguồn nhân lực phù hợp với xu thế phát triển của hệ thống ngành Ngân hàng Việt Nam, xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn cao, có đạo đức nghề nghiệp và làm việc chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu và hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao.
Đẩy mạnh việc vận hành và sử dụng hiệu quả hệ thống công nghệ thông tin và các ứng dụng phần mềm thuộc Dự án FSMIMS. Triển khai toàn diện hệ thống bảo đảm an toàn, bảo mật công nghệ thông tin.
Tích cực nghiên cứu, tham gia đề xuất chính sách; chủ động tham gia các hoạt động trao đổi hợp tác với các tổ chức bảo hiểm tiền gửi quốc tế và các tổ chức quốc tế khác.
0 nhận xét: