Mức 7 Nhân dân tệ đổi 1 USD được giới chuyên gia tài chính nhận định là "lằn ranh đỏ" hay ngưỡng tâm lý quan trọng đối với tỷ giá của đồng Nhân dân tệ với USD. Mức dưới 7 đã được duy trì tại thị trường Trung Quốc trong suốt 11 năm qua.
Lo ngại hàng hoá giá rẻ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam
Căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc khiến thị trường tài chính toàn cầu lo ngại Trung Quốc sẽ để Nhân dân tệ mất giá, nhằm giảm áp lực cho hàng xuất khẩu. Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đột ngột tuyên bố sẽ áp thuế 10% lên khoảng 300 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc. Hai nước chỉ mới thỏa thuận đình chiến cuối tháng 6.
Về "lằn ranh đỏ" này của Nhân dân tệ, nhiều chuyên gia cho rằng động thái phá giá đồng nội tệ nhằm tăng lợi thế cho hàng xuất khẩu của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các thị trường mới nổi cả ở khía cạnh tiền tệ lẫn kinh tế sản xuất.
Trao đổi với VnEconomy, chuyên gia tài chính TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng Nhân dân tệ xuyên thủng mốc "lằn ranh đỏ" là một chấn động trong giới tài chính thế giới. Đây là một ngưỡng khá quan trọng và ngưỡng này bị phá vỡ sẽ ảnh hưởng nhất định đến Việt Nam.
"Nhân dân tệ từng mất giá mạnh năm 2015 và bây giờ lại tiếp diễn. Một khi Trung Quốc phá giá nội tệ thì hàng Trung Quốc xuất khẩu ngày càng rẻ hơn và trong quan hệ thương mại Việt - Trung, Việt Nam là nước nhập siêu nên sẽ làm tăng tính nhập siêu của nền kinh tế, hàng xuất khẩu qua Trung Quốc cũng bị hạn chế", ông Hiếu phân tích và cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên điều hành tỷ giá đồng nội tệ VND để ổn định kinh tế vĩ mô. Mức giảm giá được ông Nguyễn Trí Hiếu khuyến nghị cho nửa cuối năm 2019 là 2%.
Vị chuyên gia còn đặc biệt lo ngại Nhân dân tệ mất giá sẽ khiến hàng hoá giá rẻ của Trung Quốc tràn vào Việt Nam.
"Đó là điều tôi đang lo ngại, chiến tranh tiền tệ có thể xảy ra nếu thương chiến Mỹ - Trung tiếp tục gay gắt. Nhân dân tệ sẽ tiếp tục được phá giá để tạo lợi thế cho xuất khẩu. Và Việt Nam sẽ bị tác động theo nếu không phá giá tiền đồng. Khi đó VND sẽ tăng giá so với Nhân dân tệ, làm cho tăng nhập khẩu và nhập siêu lên.
Hàng Trung Quốc giá rẻ sẽ được bán sang Việt Nam. Ngoài ra, một vấn đề nổi lên gần đây đó là có thể có hiện tượng hàng Trung Quốc tuồn sang Việt Nam mượn xuất xứ đi Mỹ, và hàng Mỹ cũng có thể quá cảnh ở Việt Nam để xuất vào Trung Quốc. Thị trường ngoại thương Việt Nam sẽ phải đối mặt với những nguy cơ không nhỏ.
Đây là bài toán vô cùng phức tạp, làm sao để tạo thế quân bình về ngoại thương. Nếu cả hai quốc gia đó cùng xuất hàng vào Việt Nam sẽ làm khó khăn cho sản xuất trong nước. Cách giải quyết trước mắt là làm sao để tăng chất lượng hàng hoá, tìm các thị trường thay thế Trung Quốc hay Mỹ, đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, sản phẩm nội địa phải tăng chất lượng để đối phó sự cạnh tranh với nước ngoài", ông Hiếu nói.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cũng cho rằng khi Nhân dân tệ mất giá mạnh, cán cân thương mại của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do hàng hóa Trung Quốc giá rẻ ồ ạt chảy vào thị trường nội địa.
Với đặc thù là một nước nhập khẩu nhiều nguyên liệu từ Trung Quốc để chế biến và xuất khẩu, việc điều chỉnh tỷ giá như vậy khiến các nhà nhập khẩu nguyên liệu có lợi từ thị trường Trung Quốc, đồng thời các nhà nhập khẩu có lợi thêm từ việc xuất khẩu sang Mỹ.
Theo đó, VND cần giảm giá ở mức vừa phải và thấp hơn mức giảm của Nhân dân tệ so với USD.
Nếu tăng tỷ giá VND, dòng vốn ngoại có rút bớt?
Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMAAustralia) dẫn đại ý của nhà kinh tế học đạt giải Nobel lừng danh Milton Friedman cho rằng tỷ giá hối đoái tự do có thể dẫn đến "thương mại toàn cầu tự do hơn". Tuy nhiên, trong trường hợp này, ông Long lại thấy đang diễn biến ngược lại, chiến tranh thương mại lại khiến Trung Quốc thả đồng tiền tự do hơn. Phi logic nhưng rất hợp lý. Việc giảm giá Nhân dân tệ không khác nào áp thuế lên tất cả các hàng hoá nhập từ Mỹ vào Trung Quốc.
Với Việt Nam, ông Long nhận định sức ép từ Nhân dân tệ giảm giá sẽ lớn. "Những doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ chịu ảnh hưởng lớn. Nhân dân tệ đã mất giá so với VND khoảng hơn 5% trong vòng 3 tháng qua. Hàng hoá Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam sẽ rẻ hơn. Và ngược lại sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam sẽ yếu khi xuất sang nước láng giềng.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất, kéo theo hàng loạt các ngân hàng trung ương cắt giảm lãi suất theo, trong khi Việt Nam duy trì tỷ giá sẽ là một sức ép rất lớn, đặc biệt đối với xuất khẩu.
"Theo dõi tỷ giá VND 2 tháng vừa qua, tôi cho rằng tỷ giá VND sẽ tiếp tục được duy trì hoặc giảm nhẹ thay vì Ngân hàng Nhà nước có những động thái thả nổi đồng tiền. Lạm phát thấp, dữ trữ ngoại hối tốt cũng là một lợi thế để Việt Nam giữ giá tiền đồng. Một lý do nữa để VND sẽ không giảm giá mạnh là giữ dòng vốn đầu tư gián tiếp (FII) không rút khỏi thị trường tài chính như những gì đã xảy ra đối với thị trường chứng khoán Trung Quốc trong đợt giảm giá Nhân dân tệ lần này. Ngoài ra chúng ta cũng cần tránh việc Mỹ coi Việt Nam là đối tượng thao túng tiền tệ", ông Long nhận định.
Vị chuyên gia cho hay, chiến tranh tiền tệ khó xảy ra bởi các nước đều đang ở thế phòng thủ cho một tương lai thị trường không mấy sáng lạn. Cuộc đua về tỷ giá có khi còn nặng nề hơn chính sách bảo hộ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh.
Việc phá giá đồng nội địa, giới tài chính cho rằng sẽ có ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư nước ngoài rút ròng vốn, trong bối cảnh Việt Nam đang là tâm điểm của châu Á về thu hút vốn FDI.
Về việc này, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho rằng nếu tỷ giá USD/VND tăng thì có lợi cho nhà đầu tư rót vốn vào Việt Nam lúc này vì sẽ quy đổi được lượng nội tệ lớn hơn. Tuy nhiên, bất lợi là khi nhà đầu tư rút vốn về, nếu tỷ giá tăng sẽ nhận được ít hơn ngoại tệ.
"Nếu đầu tư vào thời điểm này thì chưa chắc bất lợi. Tuy nhiên, các nhà đầu tư sẽ lo ngại về tính ổn định của VND", ông Hiếu phân tích.
0 nhận xét: