Giảm lãi vay không lo giảm lợi nhuận
Ngày 1-8, các NH lớn gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank đã hạ lãi suất cho vay 0,5%/năm, áp dụng cho các khoản vay mới thuộc các lĩnh vực ưu tiên và doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong khi đó, Techcombank cũng áp dụng ưu đãi lãi suất cho vay ngắn hạn VNĐ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, với mức giảm khoảng 0,5%. Nhưng nhìn ở góc độ kinh doanh của NH, giảm lãi suất đặt ra bài toán lợi nhuận, vì giảm lãi suất đồng nghĩa đóng góp của thu nhập lãi vào lợi nhuận cũng giảm xuống.
Tuy nhiên, diễn biến thực tế lại không tác động nhiều đến tăng trưởng lợi nhuận của các NH. Theo CTCP Chứng khoán Bảo Việt, mặt bằng lãi suất mới được điều chỉnh giảm ở một số lĩnh vực ưu tiên và kỳ hạn ngắn, còn trên mặt bằng chung khó thiết lập được lãi suất mới thấp hơn hiện nay.
TS. Bùi Quang Tín, Trường Đại học NH TPHCM, nhận định trong việc cấp vốn cho nền kinh tế, tùy theo đối tượng, lãi suất mới ưu đãi. Với những đối tượng có rủi ro cao, NH đẩy lãi suất lên cao. Đó là lý do để giải thích việc lãi suất huy động được đẩy lên cao trong các tháng đầu năm nhưng NH vẫn báo lãi cao. Điển hình, gần đây một số NH tăng lãi suất thẻ tín dụng vì cho vay thẻ tín dụng là kênh để tạo ra lợi nhuận của nhiều NH.
Khách hàng giao dịch tại SHB.
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB, năm nay mặt bằng lãi suất sẽ giữ như năm 2018, nhưng đối với lãi suất cho vay, sự phân biệt giữa các đối tượng khách hàng khác nhau ngày càng rõ rệt.
Thứ nhất do định hướng của NHNN. Thứ hai, các NH phải áp dụng Basel II nên cũng áp dụng giá cho vay theo mức độ rủi ro của tài sản, khách hàng và khoản vay đem đến cho NH. Theo đó, có những đối tượng được vay với lãi suất 5-6%/năm, trong khi có những đối tượng vẫn phải vay với lãi suất 11-12%/năm.
Quay trở lại hoạt động của các NH hiện nay, có thể thấy sự thay đổi lớn về cơ cấu kinh doanh. Đó là cho vay doanh nghiệp không còn là miếng bánh béo bở, thay vào đó NH đã và đang chuyển dịch cơ cấu cho vay hướng những đối tượng chịu được lãi suất cao hơn.
Đơn cử, việc giảm lãi suất lần này của Vietcombank với dư nợ cho vay tương đương 38% dư nợ cho vay ngắn hạn hiện hành, chiếm tới 20% tổng dư nợ cho vay nội tệ hiện hữu của NH. Nhưng từ đầu năm, lãnh đạo NH này cho biết năm ngoái Vietcombank đã chuyển dịch được 34% tín dụng sang bán lẻ và năm nay tiếp tục đẩy mạnh bán lẻ.
Đây là lĩnh vực còn nhiều tiềm năng, ngoài gia tăng hiệu quả dòng vốn kinh doanh, còn giúp quản trị rủi ro rất tốt. Nếu một khoản vay bán buôn chuyển nợ xấu phải trích lập dự phòng, tức lợi nhuận NH sẽ giảm mạnh. Nhưng cho vay bán lẻ có số dư thấp, có tài sản đảm bảo, việc thu nợ cũng dễ hơn. Thực tế kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Vietcombank, cho thấy lợi nhuận sau thuế đã đạt 9.076 tỷ đồng, tăng 41% so với cùng kỳ 2018.
Bán lẻ sẽ được đẩy mạnh
Hiện nay bán lẻ là hướng đi chung của các NH để tăng lợi nhuận. Lũy kế 6 tháng đầu năm, Techcombank đạt lợi nhuận kỷ lục 5.700 tỷ đồng. Tại buổi gặp gỡ nhà phân tích và cập nhật kết quả kinh doanh nửa đầu năm hồi tuần trước, đại diện Techcombank chia sẻ những số liệu tăng trưởng đáng kể trong mảng bán lẻ.
Trong đó, liên quan đến phần cho vay, NH ghi nhận mức tăng 43% về số lượng thẻ tín dụng trong 6 tháng qua. Cùng với đó, tổng giá trị giao dịch qua thẻ tín dụng Visa tăng trưởng trên 80% so với cùng kỳ, đạt 13.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Đáng chú ý, dư nợ thẻ tín dụng không cao (gần 4.000 tỷ đồng) nhưng cũng là cấu phần quan trọng trong mảng cho vay của NH.
Ghi nhận vào giữa tháng 7, mức lãi suất áp dụng cho thẻ tín dụng phát hành mới hạng chuẩn của Techcombank đã được điều chỉnh tăng lên 29,8%/năm, thay vì mức 27,8%/năm trước đó; thẻ hạng vàng lãi suất thấp hơn 28,8%/năm tăng lên từ mức 27,8%/năm trước đó. Với nhóm chủ thẻ hiện hữu, lãi suất cũng được điều chỉnh thêm 2% lên 28,8%/năm với hạng chuẩn và thêm 1% lên mức 27,8%/năm.
Bên cạnh đó, NH này cũng đang cho vay mua nhà để ở theo chuỗi giá trị khoảng 62.000 tỷ đồng (tăng 1,9 lần so với năm 2016), và khoảng 10.000 tỷ đồng cho khách hàng hiện hữu vay mua nhà để ở không nằm trong các dự án hoặc mua nhà ở đã có thổ cư.
Tương tự, trong quý II, SHB ghi nhận thu nhập lãi thuần 1.742 tỷ đồng, tăng 60,3% so với cùng kỳ năm trước. Lũy kế 6 tháng, thu nhập lãi thuần của NH này đạt 3.153 tỷ đồng, tăng 46%. Mức tăng trưởng này có sự đóng góp lớn của mảng cho vay cá nhân.
Cụ thể, cho vay cá nhân của NH trong 6 tháng qua đạt gần 74.800 tỷ đồng, tăng tới 39,2% so với đầu năm, chiếm tới 31,16% tổng cho vay, trong khi tỷ trọng của phân khúc này này hồi đầu năm chỉ là 24,76%. Tại các NH như MB, ACB, VPBank… cho vay cá nhân cũng liên tục tăng trưởng tốt trong thời gian qua.
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh NHNN quy định hạn mức tăng trưởng tín dụng thấp, các NHTM sẽ đẩy mạnh mảng dịch vụ bán lẻ để bù đắp nguồn thu từ tín dụng, trong đó chú trọng đến cho vay cá nhân. Đây cũng là xu hướng chung của các NH trên thế giới, tập trung bán lẻ và cung ứng dòng vốn ngắn hạn cho nền kinh tế.
Kết quả của việc chuyển dịch này đang thể hiện triển vọng tốt khi lợi nhuận của NH ngày càng tăng trưởng cao. Dù vậy, khi các NH chuyển hướng tăng trưởng tín dụng vào lĩnh vực tiêu dùng cá nhân phải kèm theo yêu cầu quản trị rủi ro tốt hơn. Đồng thời, NHNN cũng cần lưu ý đến vấn đề này.
Bởi phần lớn vốn cho vay tiêu dùng cá nhân hiện nay tập trung vào lĩnh vực bất động sản. Ngoài ra, cho vay cá nhân được đẩy mạnh cũng gây ra lo ngại về khả năng người dân vay mượn vượt qua khả năng chi trả của bản thân.
0 nhận xét: